Nhớ về một người Nga trên công trường Nhiệt điện Phả Lại


Vích-to An-đrây E-vích Gra-chốp đến Việt Nam lần thứ hai vào đầu năm 1982 với cương vị Phó tổng chuyên viên phụ trách vận hành Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Giữa năm 1982, ông được giao giữ chức vụ Tổng chuyên viên đoàn chuyên gia Liên Xô trực tiếp chỉ đạo thi công xây dựng toàn bộ Nhà máy. Từ ấy, tên tuổi ông trở nên quen thuộc với tất cả các lực lượng xây dựng không chỉ tại Nhà máy mà còn lan truyền đến tận các công trường xây dựng thủy điện ở Hòa Bình hay Trị An.
Khối lượng công việc của một Trưởng đoàn chuyên gia là rất nhiều, nhưng Vích-to biết cách nắm bắt và sắp xếp từng công việc, phát hiện từng đường găng trong giai đoạn thi công mà đề ra biện pháp cụ thể, chủ động tìm gặp lãnh đạo và kỹ sư Việt Nam để tìm hiểu giải quyết các vấn đề khó khăn về kỹ thuật, vật tư một cách tỉ mỉ, sâu sát. Nhiều lần Vích-to đã tự mình lái xe xuống tận cảng Hải Phòng để điều đình, yêu cầu với cảng vụ ưu tiên cho vận chuyển thiết bị cần thiết về Phả Lại kịp đáp ứng yêu cầu tiến độ lắp đặt tổ máy. Vích-to chinh phục lòng người bằng sự cởi mở nhưng rất thẳng thắn và quyết đoán. Tính nết đôn hậu của ông được thể hiện qua các câu chuyện tiếu lâm ông kể trong giờ giải lao để động viên các chàng trai xây lắp quên đi mệt mỏi khi làm việc và góp phần uốn nắm sửa sai những cá tính hời hợt, thiếu trách nhiệm…
Trong thi công bao giờ Vích-to cũng lên kế hoạch cụ thể và lường trước các bước công việc phải làm để từ đó lo vật tư, thiết bị, chuẩn bị phương tiện cho các kíp thợ thực hiện. Với cách làm việc tận tâm của mình chưa đủ, ông còn cùng các chuyên gia Nga hướng dẫn đào tạo thợ Việt Nam học tập rèn luyện nâng cao tay nghề. Chính nhờ kinh nghiệm vốn có đã học hỏi được sau Nhiệt điện Phả Lại mà một số lớn thợ của các đơn vị xây lắp Việt Nam đã trưởng thành trong việc phụ trách xây dựng các công trình lớn khác ở Hòa Bình và Trị An. Kỹ sư Nguyễn Văn Thụ - Chỉ huy trưởng thi công lắp thiết bị ở Phả Lại từng kể về công việc của Vích-to rất nhiều, nhưng điều làm người ta nhớ nhất là những lần ông tham gia xử lý các sự cố bơm dầu khởi động của tổ máy 1 và đường ống đốt lò hơi trong khi thông rửa a-xít. Lần đầu tiên gặp phải một sự cố lớn như vậy, mọi người không khỏi lo lắng, nhưng Vích-to vẫn bình tĩnh xử lý bằng kinh nghiệm thi công lâu năm, ông quyết định cho chạy quạt gió và quạt khói vào lò cùng một lúc để tẩy hơi a-xít ra khỏi buồng đốt, thông rửa xong xuôi đảm bảo an toàn cho người và máy móc.
Tinh thần nhiệt tình lao động quên mình của ông đã truyền sang cả hàng trăm chuyên gia Liên Xô khác trên công trình, khiến họ tự nguyện bỏ chế độ nghỉ thứ Bảy hàng tuần, cùng tham gia làm ca kíp với công nhân Việt Nam để sớm đưa Nhà máy vào hoạt động. Vào cuối năm 1986, giữa lúc nhịp độ thi công Thủy điện Trị An ở phía Nam đang vào giai đoạn gấp rút thì chiếc cần cẩu BK 1000 bị gãy tay cần. Đây là loại cần cẩu đặc chủng mới có ở nước ta. Sự cố này đã gây ra chấn động lớn và làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung toàn công trường. Từ sự cố trên khiến tôi nhớ lại: Vích-to đã nhìn nhận rằng số chuyên gia Nga phối hợp với nhóm thợ lành nghề của Việt Nam có thể đảm đương được. Thêm nữa, ông cũng đánh giá chủng loại sắt thép tại đây có thể phù hợp cho việc chế tạo thay thế tay cần của cẩu BK 1.000 trên công trường Trị An. Vích-to coi đó là một trách nhiệm của mình cần phải hỗ trợ cho Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng. Tuy đã ở tuổi 60, mặc cho thời tiết ở Phả Lại nóng như hun như đốt, Vích-to vẫn tự mình trèo lên cần cẩu BK 1.000 đang thi công tại Phả Lại để đo đạc, lấy mẫu và xem xét mọi chi tiết làm số liệu tham khảo rồi hướng dẫn và cùng với nhóm chuyên gia Liên Xô, Việt Nam chế tạo thành công tay cần để chuyển gấp vào cho công trình Trị An. Tay cần đã chế tạo xong đúng mẫu mã, kích thước và chất liệu, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Rồi cũng chính Vích-to cùng kỹ sư Pê-trốp mang nó từ Phả Lại đưa vào tận Trị An lắp ráp để kịp cho cần cẩu vận hành, coi đây là nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành.
Những công nhân xây lắp ở Phả Lại đã được chứng kiến một vị Tổng chuyên viên ở tuổi lục tuần là Trưởng đoàn chuyên gia nhưng hầu như dù ngày hay đêm ông đều có mặt ở tất cả các hạng mục công trình để thực sự bắt tay vào kiểm tra, căn chỉnh các chi tiết lắp ráp thiết bị cùng công nhân xây lắp Việt Nam. Gặp ông nhân lúc thư giãn ngay tại hiện trường, tôi thắc mắc với Vích-to: “Là trưởng đoàn, mà sao ông lại thạo công việc của một người thợ làm vậy?”. Vích-to rời chiếc cờ-lê vừa căn chỉnh xong cánh tua-bin cùng với Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Ninh, ông xoa xoa hai bàn tay còn lem dầu mỡ, vừa nháy mắt tủm tỉm cười vừa nói: “Bản thân tôi, trước hết là một người thợ; sau, nhờ các lớp đại học ban đêm tại Matxcơva đã giúp tôi trở thành kỹ sư. Nếu bạn muốn thì cũng có thể trở thành kỹ sư như vậy”. Thì ra, sự hấp dẫn và càng quý trọng của những cán bộ và công nhân Việt Nam đối với Vích-to chính là ở chỗ đó.
Kết thúc công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại - nhà máy điện lớn nhất nước ta những năm 90 của thế kỷ trước, Vích-to An-đrây E-vích Gra-chốp vinh dự được nhận tấm Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước Việt Nam trao tặng. Ông phát biểu trong sự rưng rưng cảm động: “Việt Nam - mảnh đất ngày nào chỉ biết qua tên gọi, giờ đây qua những công trình và sau bảy năm liền được làm việc với người thợ và kỹ sư ngành Xây dựng trên công trình - những con người cần cù sáng tạo và nhiệt thành, đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời tôi”.
Theo http://www.baoxaydung.com.vn
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nga ký sắc lệnh đưa Việt Nam, Campuchia và Myanmar vào danh sách quốc gia có công dân được cấp visa điện tử để nhập cảnh nước này.
Nhân vật công chúng của nước Nga, ông Oleg Vladimirovich Deripaska, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam.
31/12/2022
Từng bị trì trệ bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina, thời gian gần đây xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã và đang có nhiều dấu hiệu tích cực.
08/09/2022
Tập đoàn Vận tải FESCO (LB Nga) đã khai trương tuyến đường biển thường xuyên FESCO VIETNAM DIRECT LINE (FVDL), kết nối trực tiếp các cảng Việt Nam (Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh) với cảng Vladivostok (Viễn Đông - LB Nga).
08/06/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 17/5, trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Saint Petersburg”, Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam – Saint Petersburg lần thứ 3.
18/05/2022
Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) vừa bổ sung thêm 2 doanh nghiệp thủy sản vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu.
Quý I, xuất khẩu gạo sang Nga tăng 2,6 lần so với cùng kỳ 2021 và là nhóm tăng mạnh nhất trong 23 mặt hàng xuất sang quốc gia này.
26/04/2022
Số liệu vừa được cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang Nga trong quý đầu năm chỉ bằng 16% so cùng kỳ năm ngoái.
13/04/2022
Xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nga năm 2021 đạt 612,7 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020; từ Nga sang Việt Nam đạt 523,1 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020.
08/04/2022
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đề nghị Moskva có biện pháp bảo đảm an toàn cho dân thường rời vùng chiến sự Ukraine.
15/03/2022